Nhập thông tin vào ô để Tìm trên blog hoặc trên web

26/6/10

Giếng đất thôn Đông Vinh

Soi tìm trên Google Map, vẫn còn thấy giếng đất ở thôn Đông Vinh (xã Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội), nơi ngày xưa trường PTC3 Ngọc Hồi đã đóng đô.

Giếng đất tròn vành vạnh, ở rìa phía Nam của thôn, gần nhà bà cụ Phấn mà Đức Long và Hiếu Dân ở nhờ, cũng sát nhà chủ mà mấy chị em Phạm Hương ở nhờ hồi đó.

Dưới đây là ảnh chụp lại bản đồ:


Để tìm xem trực tiếp trên Google Map, xin mời bấm vào hình nhỏ ở bên phải. Sau khi bản đồ hiện ra, có thể bấm giữ chuột và kéo để di chuyển vị trí bản đồ, hoặc phóng to, thu nhỏ hình bằng cách bấm vào dấu công hoặc trừ ở bên trái bản đồ. Trên bản đồ này, bạn sẽ thấy thôn Đông Vinh với cái giếng tròn nằm rìa Nam của làng.
(Để mở rộng phần bản đồ nhìn thấy được, bấm vào mũi tên kép << ở bên trái bản đồ, cạnh chỗ có ghi dòng chữ "Tìm chỉ đường I Bản đồ của tôi")

Ở thôn Đông Vinh, bạn cùng lớp mình có Lụa, Bảo là dân gốc của làng, dân sơ tán có: Trác Việt, Dân, Đức Long, Hoàn Vũ, Phạm Hương, Trần Hương, Kim Anh, Hiếu lớn, Hiếu con, Phương Thảo, Tường... Còn ở Hạ Thái thì lớp mình cũng có khá nhiều: Đặng còi, Thi, Nhuận, Tạc, Hạnh, Hòa v.v...

Nếu muốn xem bản đồ trên dịch vụ Wikimapia, có thể bấm vào đây: Đông Vinh - Hạ Thái

Trường Ngọc Hồi ngày nay thế nào?

Ngày xưa, những ngày mới thành lập, Trường PT Cấp 3 Ngọc Hồi sơ tán về đóng trên địa bàn thôn Đông Vinh, xã Đông Mỹ, Thanh Trì - Hà Nội. Nay trường đã chuyến về gần ngã ba Ngọc Hồi (nằm trên địa bàn xã Ngũ Hiệp, giữa chùa thôn Tự Khoát và đài liệt sỹ Ngọc Hồi), mang tên mới là "Trường Trung học Phổ thông Ngọc Hồi".

Để biết ngày nay trường thế nào, mời xem bài từ trang web Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội:


(Hai ảnh bên từ nguồn: trang của Trường Ngọc Hồi nh.22web.net)

GƯƠNG MẶT CƠ SỞ
Trường THPT Ngọc Hồi : “ĐOÀN KẾT LÀ CHÌA KHÓA CỦA THÀNH CÔNG”
Cập nhập lúc 10h29, ngày 10/07/2006

Trải qua chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển, đến nay trường THPT Ngọc Hồi đã có "thương hiệu" có uy tín trong ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô, là địa chỉ tin cậy đối với học sinh và phụ huynh học sinh.

Mỗi năm một tiến bộ, các thế hệ thầy và trò nhà trường đang tiếp nối truyền thống của các thế hệ cha anh, vươn lên khẳng định mình bằng việc chinh phục những đỉnh cao tri thức. Trong niềm vui của thầy và trò nhà trường đón chào một năm học đầy ý nghĩa - năm học chào mừng kỷ niệm 40 năm thành lập trường, thầy Trần Anh Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường tự tin khẳng định: “Dù mới đảm nhiệm cương vị hiệu trưởng nhưng chúng tôi luôn ý thức việc giáo dục cho học sinh về truyền thống lịch sử của trường bởi đó là khởi nguồn của mọi thành công”. Và ông hào hứng đưa chúng tôi về với những ngày tháng gian lao, vất vả của trường.

Đó là vào năm 1966 khi cả nước đang dốc lòng hướng ra tiền tuyến để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, trường cấp III Ngọc Hồi đã được thành lập. Những năm tháng đó, hậu phương miền Bắc vẫn hàng ngày phải chống trả những trận bom ác liệt của không quân Mỹ. Khi mới ra đời, trường chỉ vẻn vẹn 8 lớp học với 10 thầy cô giáo, cơ sở vật chất hầu như không có gì. Nhiệm vụ đặt ra trên hết khi đó là bảo đảm an toàn tính mạng cho thầy và trò. Mặc dù thường xuyên phải sơ tán nhưng nhà trường vẫn luôn đạt được những kết quả dạy và học khá tốt. Trường đã được khen thưởng về việc đảm bảo an toàn cho thầy cô và học sinh.

Trong điều kiện chiến tranh, thầy trò nhà trường phải dạy học trong những phòng học “nửa chìm nửa nổi” và sơ tán trong các thôn xóm, tuy nhiên việc dạy và học vẫn được duy trì, chất lượng giáo dục vẫn được đảm bảo và trường đã vinh dự được đón một số đoàn đại biểu của nước bạn đến tham quan về mô hình trường học trong chiến tranh.

Năm 1975, trường THPT Ngọc Hồi đã được đầu tư xây dựng với 3 dãy nhà cấp bốn cùng các đồ dùng dạy học. Trường đã có 15 lớp học, có đủ phòng học, có một số phòng chức năng ngoài ra còn có nhà lưu trú cho giáo viên. Những năm tháng đầu xây dựng, nhà trường có một thuận lợi cơ bản là có đội ngũ thầy cô giáo giỏi. Ngày đó, các thầy cô của trường phần đông từ nội thành Hà Nội ra, đây là đội ngũ thầy cô giáo giỏi và tâm huyết với nghề. Những năm đó đã có nhiều thầy cô được cử đi học ở nước ngoài.

Nghe câu chuyện của hiệu trưởng Trần Anh Tuấn chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ngạc nhiên từ những cố gắng của trường, lại càng ngạc nhiên về một hiệu trưởng trẻ không những hiểu mà còn nắm rõ từng giai đoạn phát triển của trường.

Ngừng một lát thầy Tuấn kể tiếp: Từ 1980 đến nay, có thể nói nhà trường đã bớt đi rất nhiều khó khăn, dần dần được đầu tư và phát triển như ngày hôm nay. Đươc cải tạo nâng cấp phòng học kiên cố với 1 dãy nhà 3 tầng gồm 15 phòng học trên diện tích 15.000m2 . Từ đó đến nay chất lượng dạy và học luôn được duy trì và đẩy mạnh. Trang thiết bị và đồ dùng dạy học đầy đủ hơn. Năm vừa qua nhà trường được đầu tư phòng nghe nhìn với kinh phí gần 200 triệu đồng, phòng thí nghiệm, phòng vật lý và thư viện chuẩn. Những phòng chức năng này đã hỗ trợ và phát huy tốt hiệu quả quá trình dạy học. Tất cả các thiết bị: màn hình ti vi cỡ lớn, máy chiếu, máy vi tính, hệ thống âm thanh ánh sáng đã được nhà trường khai thác tối đa để phục vụ việc dạy và học, các hoạt động sinh hoạt ngoại khoá. Ngoài ra, trường được trang bị một phòng máy tính với hơn 30 máy đời mới, các phòng chức năng đều được trang bị máy vi tính được nối mạng phục vụ hiệu quả cho việc dạy và học.

Chính nhờ những cố gắng to lớn của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh; sự chỉ đạo tổ chức và quản lý có hiệu quả của chi bộ Đảng và Ban giám hiệu nhà trường, sự quan tâm giúp đỡ của cha mẹ học sinh; sự chỉ đạo sát sao của Sở GD-ĐT Hà Nội cộng với sự đầu tư về CSVC mà chất lượng giáo dục của trường ngày càng được nâng cao. Nếu như số học sinh giỏi toàn diện nămhọc 1997 - 1998 của trường chưa đạt 1% thì đến năm học 2004 - 2005 đã tăng lên hơn 8,9%. Tỉ lệ học sinh tiên tiến là hơn 40%. Trong năm học 2005 -2006 nhà trường đặt mục tiêu phấn đấu đạt 13% học sinh giỏi, 44% học sinh tiên tiến. Trong sự phấn khởi, thầy Tuấn cung cấp cho chúng tôi hàng loạt những con số như: năm học 2003 - 2004 trường có 37 học sinh đạt giải kỳ thi học sinh giỏi cấp TP, đến năm 2004 - 2005 đã có 53 giải, riêng học kỳ I năm học này đội tuyển HS khối 12 của trường đã mang về cho trường 20 giải các môn cấp TP; nhiều năm trường có HS tham dự đội tuyển Thành phố thi HS giỏi Quốc gia; 6 năm học liền (từ năm học 1999-2000 đến năm học 2004-2005) trường được công nhận là trường tiên tiến xuất sắc; đặc biệt năm 2005 trường được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba .Tuy nhiên điều mà nhà trường chú ý hơn cả đó là việc nâng cao tỉ lệ học sinh đỗ đại học hàng năm, con số này hiện nay mới đạt xấp xỉ 30% điều này chưa làm hài lòng thầy và trò nhà trường.

Để nâng cao chất lượng giáo dục yêu cầu đặt lên hàng đầu của nhà trường là phải nâng cao chất lượng đội ngũ. Trường đã có nhiều hoạt động nhăm bồi dưỡng chuyên môn nghiệm vụ cho giáo viên như tổ chức các hoạt động thăm lớp, dự giờ qua đó trao đổi kinh nghiệm giữa các giáo viên với nhau: tăng cường các hoạt động chuyên đề, mua tài liệu, tổ chức các hội thảo về đổi mới phương pháp dạy học, động viên các thầy cô giáo đầu tư nghiên cứu, viết sáng kiến kinh nghiệm. Những hoạt động này đã giúp các giáo viên của trường hoàn thiện và nâng cao năng lực dạy học.

Một điều mà Ban giám hiệu trường THPT Ngọc Hồi luôn trăn trở đó là làm sao sớm được công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia. Hiện trường còn một số tiêu chí chưa đạt như thiếu phòng chức năng, các phòng học, phòng thí nghiệm chưa đạt chuẩn và chưa có qui hoạch tổng thể, còn thiếu khoảng 4000m2 diện tích sử dụng. Trong khuôn viên nhà trường vẫn còn 3 dãy nhà cấp 4 xây dựng từ năm 1975 nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, với phương châm “đoàn kết là chìa khoá của thành công” tập thể nhà trường luôn lạc quan và tin rằng một ngày không xa trường sẽ được công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia./.

-
Mời xem thêm:
Địa điểm Trường hiện nay trên bản đồ Wikimapia (do học sinh đánh dấu):

Trường THPT Ngoc Hồi_Hà Nội

(Đưa trỏ chuột lên trên ô vuông viền đỏ sẽ thấy hiện lên dòng chữ ghi chú về Trường. Phóng to thu nhỏ bản đồ bằng cách bấm vào dấu cộng hoặc trừ ở góc trái. Bấm chuột giữ vào bản đồ và kéo để xê dịch vị trí bản đồ)